Trong thời gian gần đây, với tư cách là một độc giả quen thuộc của báo điện tử www.baobinhdinh.com.vn, tôi có được đọc bài viết của tác giả Mai Thư với tiêu đề “nghĩ khác để…làm khác” bàn về một số vấn đề của nền võ thuật cổ truyền Bình Định. |
Một võ sinh “nhí” thuộc Võ đường Lê Xuân Cảnh biểu diễn bài Lão hổ thượng sơn. |
Tác giả bài viết nêu lên vấn đề rằng cần có cách nghĩ khác và cách làm khác để thúc đẩy sự phát triển của nền võ thuật cổ truyền Bình Định. Là người đã có hơn 40 năm tham gia các hoạt động võ thuật ở nhiều cương vị khác nhau từ nghiên cứu cho đến huấn luyện từ địa phương cho đến Quốc gia, tôi muốn có đôi lời trao đổi thêm với tác giả bài viết về vấn đề này.
Có thể nói rằng, cốt lõi của việc phát triển võ cổ truyền Bình Định là sự cố kết trong từng cộng đồng, được xem là những Làng võ, hay trước 1975 gọi là các “Lò võ” “Võ đường”, sau giải phóng được xem là những “Câu lạc bộ Võ”. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cơ quan chức năng cũng như là của cộng đồng, nền võ thuật Bình Định đã có những bước phát triển lớn lao thể hiện qua sự xuất hiện của nhiều ý tưởng và những thể nghiệm táo bạo nhằm nâng tầm của nền võ thuật cổ truyền.
Trước đây, khi võ sư Kim Dũng còn sống, ông đã từng ấp ủ giấc mơ mở một Trung tâm võ thuật và đã xây dựng tọa lạc tại không gian ven biển trước Đại học Quy Nhơn (khi cơ sở được xây dựng xong thì người lại mất rồi). Thật không may mắn là khi ông qua đời, ý tưởng đó đã không còn được tiếp tục triển khai và hiện thực hóa. Gần đây, võ sư Hoàng Tùng có xây dựng Dự án về việc thành lập Học viện Võ Thuật Tây Sơn đặt tại khu Ghềnh Ráng thuộc thành phố Quy Nhơn. Một lần nữa ý tưởng này, hiện nay rất có thể trở thành hiện thực nhưng ông lại qua đời một cách đột ngột. Học viện Võ thuật Tây Sơn hiện nay đã được chuyển giao cho Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng quản lý nhưng đáng tiếc là cho đến nay Dự án vẫn còn đang dẫm chân tại chỗ.
Khi ông Hồng Khanh còn làm giám đốc Sở TDTT tỉnh Bình Định, ông đã đề ra và bước đầu thực hiện một ý tưởng nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đó là phân bổ và hỗ trợ tài chính cho từng Võ đường theo sự định hướng và lãnh đạo của Sở. Ý tưởng mới mẻ và táo bạo này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ phía các Lò võ và trên thực tế đã thúc đẩy sự phát triển của nền võ thuật tỉnh nhà. Điều đáng tiếc là, khi ông Lê Hồng Khanh không còn tại vị nữa thì mô hình này cũng bị rơi vào quên lãng. Nói vậy để thấy rằng, ước mơ thì nhiều, hoài vọng cũng rất nhiều, nhưng thực tế thì cho đến nay những ý tưởng đáng quý đó vẫn chưa thể trở thành hiện thực như mong mỏi của rất nhiều người.
Trong giai đoạn mới, võ thuật được coi như là một di sản phi vật thể và tài sản văn hóa quan trọng. Năm 2006 Liên hoan quốc tế võ cổ truyền lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Định. Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền không phải là một giải thi đấu thể thao, cũng không phải là một lễ hội mang tính truyền thống mà nó là sự hội tụ của các giá trị văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ xa xưa, cửa biển Cách Thử đã từng là nơi dừng chân của nhiều cư dân Minh Hương từ phương Bắc tràn vào, mang theo một nền văn hóa võ nghệ lâu đời và đặc sắc. Những cư dân Việt đi theo con đường Thiên lý trên bộ lẫn trên biển cũng đã tới định cư tại vùng đồng bằng châu thổ sông Côn và góp phần cốt yếu hình thành nên những vùng đất võ nổi tiếng ở Bình Định nằm dọc theo bờ sông Côn- con đường giao thông thủy quan trọng của người Bình Định xưa. Theo dòng thời gian và những biến thiên lịch sử, nhiều người Bình Định đã di cư tới sinh sống ở nhiều nơi trong nước và quốc gia trên khắp thế giới, đã mang theo tinh thần thượng võ và truyền thống võ nghệ của quê hương đi cùng và đưa nền võ thuật cổ truyền Bình Định lan tỏa trên phạm vi toàn cầu. Từ năm 2006, hành hương Về nguồn với Đất Võ Bình Định đã được khởi phát trong cộng đồng những người con đất võ nơi xứ người gắn với các kỳ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền đã được tổ chức tại Bình Định. Từ đó đến nay đã có bốn cuộc hành hương Về nguồn diễn ra trên miền đất Võ.
Tuy nhiên, để cho nền võ thuật cổ truyền Bình Định nói riêng và Liên hoan quốc tế võ thuật nói chung tiếp tục phát triển thì cần tạo nên những sức sống mới cho những hoạt động này. Sức sống này không chỉ bó hẹp trong những lò võ, những câu lạc bộ võ hay những bộ môn võ (hẳn nhiên những địa chỉ võ thuật địa phương làm cơ sở nòng cốt chứ chúng ta không thể lấy đó cơ sở bất biến) mà nó phải là những trung tâm huấn luyện võ, những võ đường mang tính chuyên nghiệp cao. Mà để có thể làm được điều đó, chúng ta cần thiết phải có sự phối hợp giữa Liên đoàn Võ thuật và các Trung tâm võ thuật cũng như các nhà hoạt động văn hóa để chúng ta có thể thực hành những phương pháp huấn luyện hiện đại đồng thời đậm chất văn hóa bản địa.
Ý tưởng về việc xây dựng một trung tâm huấn luyện võ thuật quốc tế cổ truyền tại Bình Định đã từng được cá nhân tôi đề xuất và triển khai thông qua kế hoạch xây dựng một Làng võ quốc tế tọa lạc tại thành Đồ Bàn/Hoàng Đế hoạt động theo mô hình Xã hội hóa (đã xây dựng dự án và hồ sơ thiết kế). Mục đích của ý tưởng này là biến Làng võ quốc tế này trở thành nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa của nền võ thuật cổ truyền Bình Định và Liên hoan quốc tế võ cổ truyền là một cầu nối quan trọng ý tưởng đề xướng và ra đời Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền phát khởi và hình thành không ngoài mục đích đó. Tại Liên hoan lần 4 chương trình hội thảo xúc tiến thành lập Liên đoàn quốc tế Võ cổ truyền Việt nam như là một việc làm nối tiếp.
Một vài điều trao đổi trên đây để thấy rõ ràng rằng để phát triển và nâng tầm nền võ thuật Bình Định, chúng ta không cần thiết phải hướng tới một cách nghĩ khác hay một tầm nhìn khác nữa, mà thực tế là tất cả đã và đang từng bước được triển khai tại Bình Đình và điều quan trọng là chúng ta, những người thực lòng có tâm với nền võ thuật tỉnh nhà, cần tiếp tục thực hiện những ý tưởng và kế hoạch đó.
Ý kiến bạn đọc