Chế độ cho VÐV thể thao Bình Ðịnh: “Có thực mới vực được đạo”
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4162/QÐ-UBND về việc điều chỉnh mức tiền ăn thường xuyên đối với VÐV, HLV thể thao. Theo đó, mức tiền ăn thường xuyên của mỗi VÐV được nâng lên từ 10.000 đồng/ngày đến 20.000 đồng/ngày tùy theo đối tượng kể từ ngày 1.1.2016. Tuy nhiên, những người làm thể thao không lấy gì làm vui vẻ khi đón nhận thông tin này.
Các VĐV tập luyện, thi đấu với cường độ cao nên cần được bổ sung nguồn dinh dưỡng hợp lý và khoa học.
- Trong ảnh: Một trận đấu đối kháng môn võ cổ truyền tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Theo Quyết định số 4162/QĐ-UBND, mức tiền ăn thường xuyên của các VĐV đội tuyển tỉnh được nâng từ 65.000 đồng/người/ngày lên thành 85.000 đồng/người/ngày; mức tiền ăn thường xuyên của VĐV, HLV đội tuyển trẻ được nâng từ 55.000 đồng/người/ngày lên thành 70.000 đồng/người/ngày; mức tiền ăn thường xuyên của VĐV năng khiếu được nâng từ 50.000 đồng/người/ngày lên thành 60.000 đồng/người/ngày; mức tiền ăn thường xuyên của HLV năng khiếu được nâng từ 38.000 đồng/người/ngày lên thành 50.000 đồng/người/ngày.
“Ăn chỉ đủ để... tập thể dục”
Một HLV (đề nghị không nêu tên) nhận xét: “Mức tiền ăn mà các VĐV được hưởng lâu nay chỉ đủ để các em… tập thể dục, chứ không thể tập đúng theo giáo án được. Vì vậy, rất khó để VĐV đạt được thành tích cao ở các giải đấu. Việc cho các em tập nặng mà chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy sau này, nhất là về sức khỏe của VĐV. Việc tăng mức tiền ăn nhỏ giọt như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện. Vì vậy, xin nói thẳng ra là thành tích của thể thao Bình Định rất khó cải thiện trong thời gian tới”.
Cũng chính vị HLV này phân tích: “Tất nhiên khẩu phần ăn chỉ là một tham số để tạo ra thành tích, nhưng đó là một tham số nền tảng. Muốn tăng thời gian tập, muốn tăng độ khó của bài tập, VĐV muốn chuyên cần hơn… mọi thứ đều phải cần năng lượng, xây dựng trên nền tảng năng lượng dồi dào. Chúng ta hãy lấy kết quả thi đấu của các VĐV qua các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc để so sánh sẽ thấy thể thao Bình Định đi xuống như thế nào. Tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, chúng ta giành được 11 HCV, 10 HCB, 17 HCĐ, đứng thứ 17/65 trên toàn quốc. Đến năm 2014, chúng ta chỉ giành được 4 HCV, 6 HCB, 11 HCĐ, đứng thứ 28/65 đơn vị. Lẽ ra nếu chúng ta có chế độ hợp lý dành cho những VĐV đã đoạt HCV, hoặc HCB ở kỳ Đại hội cách đây 5 năm, thì ở năm vừa rồi số HCV chúng ta giành được có thể còn tăng lên chứ không giảm mạnh như thế. Mà một khi thành tích đã đi xuống thì rất khó để vực dậy, cứ đà này chẳng biết đến năm 2018 sẽ còn giảm đến đâu?”.
Cần có sự thay đổi
Như đã nói ở trên, thành tích thể thao không chỉ phụ thuộc vào dinh dưỡng mà còn có rất nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho các mặt khác vẫn còn hạn chế, thì vấn đề dinh dưỡng được đặt lên hàng đầu, như một cách “cứu vãn” sự thiếu hụt của những mảng khác.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện TDTT của tỉnh đã thiếu, nay còn xuống cấp trầm trọng. Việc đưa VĐV đi tập huấn tại những địa phương có bề dày truyền thống ở một bộ môn cũng được xem là xa xỉ, chưa nói đến việc đi nước ngoài như các đơn vị khác đã làm lâu nay.
Chúng ta đang có một đội ngũ HLV tài năng, nhiều tâm huyết, nhưng họ sẽ rất khó làm nên chuyện nếu chế độ dành cho VĐV không (hoặc chậm) được cải thiện như thời gian qua. Được biết, ngành thể thao đã có ý tưởng về việc xây dựng chế độ đặc thù dành cho những VĐV có khả năng tranh chấp huy chương ở các bộ môn. Nhưng dường như ý tưởng này không nhận được sự đồng thuận cao từ các ngành liên quan. Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi nó có thể làm giảm động lực phấn đấu của các VĐV. Nhiều người cho rằng, đã là VĐV thì ai cũng được hưởng mức dinh dưỡng ngang nhau, như thế mới công bằng. Nhưng thực chất, điều đó tạo ra sự bất công, bởi không lý gì một VĐV đã giành được thành tích cao, có thể trong nhiều năm liền, nhưng lại vẫn hưởng mức dinh dưỡng ngang bằng với một VĐV mới tập.
Có thể nói, mức dinh dưỡng mà các VĐV Bình Định được hưởng thuộc hàng thấp nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, những chế độ khác dành cho các VĐV trong quá trình thi đấu cũng như khi giải nghệ cũng chưa rõ ràng và thỏa đáng. Điều này vừa khiến chúng ta khó cạnh tranh được thành tích ở đấu trường quốc gia, vừa tạo cho các HLV những khó khăn trong việc giữ chân VĐV. Bởi dù có nghĩ đến màu cờ sắc áo, tình thầy trò, nhưng VĐV nào cũng phải nghĩ đến tương lai, gia đình và sự nghiệp, khi tuổi nghề của VĐV thường rất ngắn.
Trong khi chờ đợi sự quan tâm từ các ngành, các cấp, ngành thể thao Bình Định cần tự tìm ra những hướng giải quyết cho chính mình. Đó có thể là quy hoạch lại số bộ môn, VĐV sao cho tinh gọn, hiệu quả. Đây là điều rất tế nhị, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhưng nếu chúng ta không làm thì diện mạo thể thao Bình Định rất khó thay đổi. Bên cạnh đó, các bộ môn cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ vận động thêm nguồn lực để hỗ trợ các VĐV, HLV, giúp họ yên tâm cống hiến cho thể thao tỉnh nhà.
LÊ CƯỜNG
chế độ, thể thao, mới đây, ban hành, thường xuyên, tùy theo, tuy nhiên, người làm, thông tin, tập luyện, cường độ, bổ sung, dinh dưỡng, hợp lý, khoa học, cổ truyền, toàn quốc, quyết định, tập thể, đề nghị, nhận xét
Lứa tuổi thanh thiếu niên, các em đang trong giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý nên vô cùng nhạy cảm rất dễ rơi vào khủng hoảng và cám dỗ trước thói hư tật xấu của xã hội như: game, nhậu nhẹt, đánh...
Câu Lạc Bộ Võ Thuật Bằng Long Hải Tel: 0986512303 - 0937620682 http://dangkyhocvo.com http://vothuatbanglonghai.net https://www.facebook.com/clb vo thuat.92facebook.com Bạn đã có đủ sức khỏe để học tập, làm việc, vui chơi? Bạn có đủ mạnh để tự bảo vệ được mình và...
Ý kiến bạn đọc