VÕ SƯ QUÁCH PHƯỚC: Môn phái LAM SƠN VÕ ĐẠO.

Đăng lúc: Thứ hai - 14/12/2015 12:00 - Người đăng bài viết: em yêu võ thuật
VÕ SƯ QUÁCH PHƯỚC: Môn phái LAM SƠN VÕ ĐẠO.

Nguyên quán ở Hà Nội, võ sư Quách Phước sinh năm 1933 tại Sài Gòn. Tuy năm nay đã ngoài thất thập nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Với chiếc xe gắn máy, ông thường “chu du” khắp nơi trong thành phố HCM cùng vài tỉnh lân cận. Đồng môn, thân hữu có hữu sự, ông luôn có mặt và tận tình giúp đỡ.

Vốn con nhà nòi, ông được cha là võ sư Quách Văn Kế (1897-1976), chưởng môn Lam Sơn võ đạo- truyền nghề từ lúc chưa cắp sách đến trường. Lớn lên, võ sư còn thọ giáo thêm bác sĩ Đỗ Như Ánh (cao đồ của võ sư Vũ Bá Oai), võ sư Thanh Vân và võ sư Lê Văn Kiển (chưởng môn phái Nam Tông). Võ sư Quách Phước bước vào công tác huấn luyện võ thuật từ năm 1951 (lúc mới 18 tuổi) tại đền thờ Trần Hưng Đạo (số 36 đường Mayer, nay là đường Võ Thị Sáu, Q1), đồng thời theo học mỹ thuật tại trường Gia Định (nay là trường Đại học Mỹ Thuật TP. HCM). Từ đó đến nay, võ sư Quách Phước từng tham gia nhiều cuộc thi đấu biểu diễn võ thuật. Tuy chỉ cao 1,60m và nặng khoảng 50kg, nhưng võ sư Quách Phước thi triển những tinh hoa của Lam Sơn võ đạo rất xuất sắc như: Quách gia đại đao (dài 1,98m và nặng khoảng 4kg), Cửu khúc bạch long tiên (9 khúc sắt nối liền nhau, dài 1,33m và nặng khoảng 3kg), Phượng hoàng trượng… với nhiều đòn thế cương mãnh và được khán giả trong và ngoài nước mến mộ. Năm 1967, Võ sư Quách Phước được cha trao lại nhiệm vụ chưởng môn. Ông cũng từng được bầu làm tổng thư ký tổng hội võ thuật miền Nam Việt Nam suốt từ năm 1969- 1975, đồng thời làm tổng thư ký ban quản trị Tổng cuộc quyền thuật miền Nam Việt Nam 5 nhiệm kỳ liên tục.

Với quá trình dạn dày kinh nghiệm huấn luyện và thi đấu biểu diễn võ thuật, hơn 40 năm qua, võ sư Quách Phước đã truyền bá môn Lam Sơn võ đạo cho 10.000 thanh thiếu niên tại các điểm tập: sân vận động Hoa Lư, đường Lý Trần Quán, trường Bàn Cờ, nhà văn hóa Q.1, nhà văn hóa quận Bình Thạnh, nhà văn hóa Q. Phú Nhuận, trung tâm TDTT quốc phòng 2, đền Nam Chơn… và góp phần cung cấp cho làng võ Việt Nam 25 vận động viên (5 nữ) có trình độ thi đấu tốt. Đặc biệt, vận động viên Đặng Đức, biệt hiệu Lam Ngọc Đức, đã oanh liệt đoạt huy chương bạc trong giải vô địch năm 1974 tại Sài Gòn. Ngoài ra, võ sư Quách Phước đã đào tạo nhiều võ sư và HLV tiếp tục truyền bá Lam Sơn võ đạo đến với lớp thanh thiếu niên và giới hâm mộ võ thuật như: võ sư Đặng Đức, võ sư An Văn Siêu, võ sư Hồ Ngọc Toàn (đang huấn luyện tại Australia), võ sư kỹ sư Trần Văn Ba Jaques đang huấn luyện tại Montpelier, Pháp)…

Song song với nghề võ, ông còn là họa sĩ. Tranh của ông được triển lãm nhiều lần trong nước và ở Pháp. Sau 20 năm đứng trên bục giảng tại các trường mỹ thuật Gia Định, cao đẳng mỹ thuật, trung học sư phạm TPHCM, võ sư Quách Phước được trao tặng huy chương “vì sự nghiệp giáo dục”. Chưa hết. hơn 10 năm nay, ông còn có một niềm đam mê khác: mang máy ảnh đi nhiều nơi để ghi lại những hiện thực vui buồn của cuộc đời. Một số tạp chí võ thuật ở nước ngoài như : International, Karate Bushido, Arts Combat, Ceinture Noire, Castries… đã có bài giới thiệu các hoạt động của ông trong lãnh vực võ học và hội họa. Theo võ sư Quách Phước, võ thuật và hội họa là hai bộ môn có nhiều điểm tương đồng. Nhờ hôi họa, ông đã cải biên một số bài thảo của môn phái Lam Sơn võ đạo mang tính nghệ thuật và hoa mỹ hơn: còn khi vẽ, ông tưởng tượng mình đang chiến đấu với một đối thủ vô hình. Ông nói "trước tiên, tôi ước tính kích thước, tự đặt câu hỏi về phối cảnh, màu sắc… sau đó mới phát họa, vẽ đi vẽ lại, tẩy xóa nhiều lần… để hoàn thành bức tranh” . Với những kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện, võ sư Quách Phước cũng dành thời gian biên soạn và xuất bản một số sách võ thuật như: 120 thế tự vệ phái nữ bảo vệ bản thân, Le Lam Sơn võ đạo (hai tập bằng tiếng Pháp, viết chung với người học trò là kỹ sư Trần Văn Ba Jaques)…

Hiện giờ, võ sư Quách Phước là thành viên ban cố vấn hội võ cổ truyền TPHCM và vẫn đang tiếp tục cống hiến những năm tháng còn lại của cuộc đời mình cho võ thuật và nghệ thuật… để vừa làm đẹp cho cuộc sống, vừa làm đẹp cho các đòn thế, bài võ của cha ông truyền lại cho các thế hệ đời sau, góp phần xây dựng một thế hệ thanh niên khỏe, đẹp và biết trân trọng giữ gìn những di sản văn hóa dân tộc.


VT-TT-H

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu chung

HỌC VÕ CỔ TRUYỀN TPHCM

  Câu Lạc Bộ Võ Thuật Bằng Long Hải    Tel: 0986512303 - 0937620682  http://dangkyhocvo.com http://vothuatbanglonghai.net https://www.facebook.com/clb vo thuat.92facebook.com Bạn đã có đủ sức khỏe để học tập, làm việc, vui chơi? Bạn có đủ mạnh để tự bảo vệ được mình và...

Bằng Long Linh
0986 512 303
Tư Vấn& Đăng Ký
0937 620 682