HÌNH TƯỢNG CON DÊ TRONG VÕ THUẬT

Đăng lúc: Thứ tư - 25/02/2015 19:03 - Người đăng bài viết: em yêu võ thuật

HÌNH TƯỢNG CON DÊ TRONG VÕ THUẬT

Dê cũng như nhiều loài thú khác là đề tài nghiên cứu sâu rộng, từ chủng loại đến đặc tính, một vài trang giấy không thể bàn luận hết về dê. Có nhiều tài liệu của ngành vạn vật học hoặc các lĩnh vực tương quan đề cập đến một giống thú hiền lành sống ở núi rừng hoặc khi thuần hoá ở với con người trở thành gia súc, đó là dê. Dê là một trong sáu con vật nuôi thông dụng của người Việt Nam (dê, gà, chó, heo, trâu, ngựa).

Bởi khả năng giao phối truyền giống trường kỳ cao diệu tự nhiên của dê mà người đời đổ “tiếng ác” cho dê là “dê”. Thật ra trong sâu thẳm lòng người, bất luận nam hay nữ, ai cũng thích “dê”. Vẽ về dê muôn màu muôn vẻ, viết về dê thiên hình vạn trạng.

Dê là biểu tượng trong nhiều lĩnh vực đời sống thiên nhiên và con người từ văn hóa, văn chương, nghệ thuật, ẩm thực và cả võ thuật. Giới “mày râu” ăn chơi, lịch lãm tình trường hay người bình dân chất phác, mộc mạc, nhiều người đã tôn dê lên làm “đại sư phụ”, khi nhậu đặc sản dê, ai cũng thích “bím” dê, mê “súng đạn” của dê, mường tượng về tài năng xuất chúng của dê về “vấn đề ấy”. Tiếng kêu “be be” hay “be he” vang vọng cả trần gian một tần số âm thanh gợi tình ấm áp. Dê hay “dê” chẳng có tội tình gì, có chăng là do chính lòng người trắc ẩn.

Dê được con người thuần dưỡng, gọi là gia súc, cả dê cái và dê đực đều có râu, tên gọi “Mùi” trong thập nhị chi, là một trong 12 con giáp trong văn hoá phương Đông và trong tam sinh lục súc của văn hoá phương Tây.

Dê núi, còn gọi là dê rừng, nói văn vẻ hơn là sơn dương. Sơn là núi, dương là dê. Đại từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hoá Thông tin - 1999) viết: “Sơn dương là thú quý hiếm, có ở Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng…, cỡ lớn, nặng đến 150 ký, toàn thân phủ lông dày, dài, cứng, màu xám đen hoặc xám tro, có bờm, sừng ngắn cong về phía sau không phân nhánh, đuôi rất ngắn, sống từng nhóm 3 - 4 con ở trong rừng núi đá vôi, ăn lá, quả, mầm cây, rêu, mỗi năm sinh một lứa, mỗi lứa một con, còn gọi là dê rừng”.

Tài liệu khoa học phân loại dê như sau:

 


Tên khoa học (capra aegagrus hircus);
Giới (regnum): Animalia;
Ngành (phylum): Chordata;
Lớp (class): Mammalia;
Bộ (ordo): Artiodactyla;
Họ (familia): Bovidae;
Phân họ (subfamilia): Caprinae;
Chi (genus): Capra;
Loài (species): C.aegagrus;
Phân loài (subspecies): C.a.hircus.

Nhiều nước trên thế giới có tập tục, truyền thống văn hoá gắn liền với loài dê. Người Ai Cập sùng bái dê, một số tộc dùng dê làm vật tế thần. Lễ hội Lupercalia La Mã vào ngày 15 tháng Giêng thường dâng lên thần linh một con dê, một con chó để xin mưa thuận gió hoà và cầu phước cho người.
Theo Bách khoa từ điển: “Dê là một biểu tượng phong phú, xuất hiện lâu đời từ thời tiền sử loài người, trong đời sống vật chất và tâm linh, từ Đông sang Tây, biểu tượng dê phong phú và phức tạp, sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh phồn thịnh. Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục vì loài dê vốn tràn đầy sinh lực tình dục, trong thực tế một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái và cũng từ đây con dê lại bị nhìn nhận là đại diện cho thói dâm đãng với hình tượng con dê già hay máu dê của đàn ông. Ngoài ra, dê còn là biểu tượng cho sự hiến tế ở các nền văn hóa Đông - Tây”.

 Trong võ thuật, hình tượng dê khiêm tốn và tội nghiệp với một vài thế võ “dưới kèo” như “Ngạ hổ khiên dương - Cọp đói bắt dê”. Môn phái Vịnh Xuân Quyền và Thiếu Lâm Phật Gia Quyền sử dụng thế tấn có liên quan đến dê, thuật ngữ gọi là: “Kiềm dương mã”. Kiềm là giữ, dương là dê, mã là bộ ngựa tức là tấn.
Theo tài liệu “The Wing Chun Stance - Thế tấn Vịnh Xuân Quyền” (Article by Dan Knight added on 2 Aug 2012): “Kiềm dương mã” còn gọi là “Kiềm dương mã tự” hay “Nhị tự kiềm dương mã” (Wing Chun Sil Lim Tao stance is called Gee Kim Yeung Ma and comes from the first form of Wing Chun Kung Fu). “Nhị tự kiềm dương mã - Yee Jee Kim Yeung Ma”, tiếng Anh dịch là “Goat riding stance” (Tấn cưỡi dê - Kỵ dương tấn).
Bộ vị “Kiềm dương mã” tạo bởi hai mũi bàn chân với ngón cái hơi xoay khép lại hướng vào trong như tượng hình chữ bát (八) và hai gối cũng ép vào như kẹp chặt lại một vật gì nên thế tấn này còn có thể được gọi là “Bát tự kiềm dương” (kiềm dương hình chữ bát). “Nhị tự kiềm dương mã” có hai dạng là “Chính thân kiềm dương” và “Trắc thân kiềm dương”. Đó là nguyên lý chiều cao của tấn tỷ lệ nghịch với độ vững chắc và linh hoạt, do vậy tấn càng thấp càng vững nhưng lại giảm tính linh hoạt. Thực tế người tập luyện tuỳ theo tình huống mà ứng dụng tấn cho hiệu quả. Các võ sư cho rằng “Trắc thân kiềm dương” là thế tấn linh hoạt hơn “Chính thân kiềm dương”, rất thuận lợi cho tấn công thần tốc mà vẫn có thể phòng thủ kín đáo, vì vậy, trong Vịnh Xuân Quyền thế tấn này được ứng dụng chủ yếu khi thực chiến.
Một thế tấn tốt là khi người tập dùng chân đá phải mạnh và phát huy kình lực cùng với yếu tố giữ được thăng bằng. Tương truyền Ngũ Mai lão ni dạy võ công cho Nghiêm Vịnh Xuân, trong sinh hoạt hằng ngày Vịnh Xuân chăn dắt dê, mỗi khi tắm dê hay cắt xén lông dê, Ngũ Mai lão ni dạy bà dùng hai chân kẹp chặt dê ở khoảng đầu gối, từ đó rèn luyện nội lực và tấn pháp. Người ta còn cho rằng luyện tấn pháp “Nhị tự kiềm dương mã” là để luyện khí, mà muốn luyện khí tốt phải kiềm dương tức là tiết dục.
Môn Karatedo truyền thống cũng như hiện đại của Nhật Bản có tấn “Naihanchi-dachi”, hình thức tương đồng “Nhị tự kiềm dương mã” và “Sanchin-dachi” cũng có tư thế tương tự “Trắc thân kiềm dương mã” của Vịnh Xuân Quyền và Thiếu Lâm Phật Gia Quyền. Tấn là nền tảng trong thi triển quyền thuật và đối kháng của các môn võ.
Xoay quanh con dê còn nhiều điều muốn nói, ý tưởng, ngòi bút, văn chương, chữ nghĩa đã biến con vật hiền lành trở thành một bức tranh nhiều màu sắc, có gần xa, sáng tối, tốt xấu, nặng nhẹ, có lời khen tiếng chê, có những mảng sầu đời nhân sinh hệ luỵ

Hai con dê cùng qua cầu;
Lại đi ngược chiều nhau;
Cầu hẹp không lối tránh;
Sinh chuyện đầu húc đầu;
Đôi bên đều chẳng nhịn;
Nên rơi xuống vực sâu!

Đà Lạt, Ất Mùi 2015

Grandmaster Trương Văn Bảo

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng


 

     

Tác giả bài viết: trương văn bảo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu chung

LỢI ICH TỪ TRANG http://dangkyhocvo.com/

Con người luôn phải đứng trước những lựa chọn và người thành công là người biết lựa chọn đúng. Với tiêu chí http://dangkyhocvo.com/ giúp bạn đạt được thành công hay thành đạt luôn đồng hành cùng thành công của bạn. Việc xây dựng http://dangkyhocvo.com/ Chúng tôi mong muốn đem...

Bằng Long Linh
0986 512 303
Tư Vấn& Đăng Ký
0937 620 682