Đức hiếu sinh của người luyện võ

Đăng lúc: Thứ bảy - 14/02/2015 01:37 - Người đăng bài viết: em yêu võ thuật

Đức hiếu sinh của người luyện võ


ĐỨC HIẾU SINH CỦA NGƯỜI LUYỆN VÕ
Nguyễn Ước 

Trong võ cổ  truyền, hầu như mọi bài quyền hay binh khí đều bắt đầu và kết thúc với tư thế  Chấp thủ thần đồng. Khi võ sinh từ Lập tấn, khiêm nhu trầm mình, mắt trang trọng nhìn thẳng tới trước, đưa lòng bàn tay mở tựa lên bàn tay nắm để tả bái tổ sư và hữu kính huynh đệ, thì người ấy đã mở cửa thân tâm cho sự sống thẩm thấu và chuyển dịch trong từng hơi thở, từng động tác.

Sự kiện  ấy nói lên một thực tế ngàn đời rằng đức tính cơ bản và cao nhất của con nhà võ  là đức hiếu sinh. Thiếu đức hiếu sinh, người luyện võ không thể trang trọng bắt đầu, nuôi dưỡng đam mê, vượt thắng qua mọi gian khổ trên con đường hôm sớm trau dồi, và cũng chẳng thể liên tục đưa đẩy bản thân ngày càng tinh tiến. 

Ðức của trời đất và người

Hiếu là yêu mến, ưa thích, ham muốn. Sinh là sự sống của mọi sinh linh và thiên nhiên, nguyên khí của vạn vật. Người có đức hiếu sinh biết quí trọng sự sống, mạng sống, tránh những hành động xâm phạm sự sống của con người, sinh linh và thậm chí cỏ cây. Qua đó, võ sinh mở rộng cửa lòng mình để sự sống rạt rào trong từng cử chỉ, hơi thở, từng đường gân sớ thịt. Cuối cùng, bản thân nhập làm một với sự sống.

Ðức hiếu sinh là  đức của trời, của đất, của người và nói rộng ra, của mỗi chúng sinh. Người lâm cảnh cực kỳ khốn khổ vẫn không muốn chết. Con giun đất biết quằn quại toàn thân khi bị ta vô tình dẫm phải. Ðến loài kiến cũng biết tìm đường chạy khi cảm thấy mạng sống của nó bị lâm nguy.

Ðối với người hiếu sinh, việc dụng binh hoặc dụng võ là tối kỵ. Mở  đầu thiên thứ nhất cuốn binh thư vô song của mình, Tôn Tử hạ bút: “Việc binh là việc lớn của quốc gia. Nó quan hệ mất còn của đất nước, không thể không xét kỹ.” Người luyện võ cũng thế, tránh tối đa những cuộc đối đầu bằng vũ lực, thậm chí việc sử dụng các đòn thế hung hiểm, vì họ thừa biết sinh mạng con người tuy vô cùng quí giá nhưng rất đổi mong manh, trong khi “đao kiếm vô tình, chân tay không mắt.” Có những môn võ mà môn đồ chỉ có thể động thủ hoặc phát huy tối đa tính diệu dụng của chúng trong điều kiện bị đối phương ra tay tấn công trước, như Nhu đạo, Hiệp khí đạo, Võ đang Thái cực quyền... 

Thượng tôn sự sống

Ngày nay, loài người càng lúc càng quay về với khái niệm đạo lý  và công đạo thời nguyên thủy bằng các nỗ lực bảo vệ sinh khí của vạn vật và cư xử  với nhau nhân đạo hơn.

Ðã đi vào dĩ vãng thời kỳ hai võ sĩ chuẩn bị thượng đài với cỗ  áo quan kê sẵn dưới chân đài. Ðã ở hẳn trong “cải lương tuồng cổ” việc hai võ sĩ trao nhau “sinh tử trạng” trước khi giao đấu. Hành động của một võ sĩ nhằm cố tình hủy diệt sinh mạng đối thủ hoặc các cam kết cá nhân không phù hợp với khung luật pháp chung đều vô giá trị, và nếu liều lĩnh thực hiện, sẽ bị kết tội phạm pháp. Dù thượng đài chỉ để thi đấu thể thao, các võ sĩ cũng phải giữ đúng những qui định nghiêm ngặt theo từng môn võ.

Các phim ảnh có  quá nhiều cảnh đầu rơi máu chảy, trước khi trình chiếu, cũng phải chạy hàng chữ cảnh báo khán giả  và các bậc phụ huynh. Rồi đây, sẽ ngày càng ít những phim tàn sát ghê rợn như Thất Kiếm. Cũng sẽ ngày càng hiếm những cảnh vung đao bạt kiếm cho cây rừng xanh tươi bị vạt cụt từng mãng, lá trúc lá liễu và hoa đào tan tác, bay phất phới đầy trời theo đao phong kiếm khí như trong Ngọa hổ tàng long, Thập diện mai phục. Các thước phim “Mãn thiên hoa vũ” ấy tuy đẹp mắt nhưng khán giả không khỏi chạnh lòng khi thấy vì một chút giải trí mà con người thẳng tay tàn phá cỏ hoa vô tội. 

Khoẻ  mạnh, sáng suốt và phong phú

Khang kiện thể  xác, minh mẫn tinh thần, phong phú tâm linh. Ðó là  mục đích cơ bản của người luyện võ. Ðuổi theo khát vọng tinh tiến, người luyện võ nhận ra rằng muốn thăng hoa trong luyện thuật thì không thể không luyện khí.

Khí chính là  sự sống của bản thân, của sinh linh. Khí luân lưu trong mọi người, mọi sinh vật, mọi cỏ cây chung quanh ta, bàng bạc từ lòng đất đen thẳm sâu tới trời cao xanh diệu vợi. Và cơ bản của luyện khí là tu dưỡng đức hiếu sinh, tôn trọng sinh mạng của muôn loài, bảo tồn nguyên khí của thiên nhiên, giữ gìn linh khí của vũ trụ.

Mọi sự trên thế gian đều quanh quẩn trong vòng nhân quả, nhưng có một cái duy nhất vượt hẳn ra ngoài, không bị tra vấn về nguyên nhân và chẳng thắc mắc về hậu quả vì tự thân nó không bao giờ bị biến thành một nguyên nhân xấu. Ðó là lòng từ bi bác ái. Nói cụ thể, đó chính là đức hiếu sinh, được thường trực thể hiện mọi nơi mọi lúc. Ðức hiếu sinh đi với người luyện võ như thuyền đi với nước. Vì thế, thật không lạ khi, theo truyền thuyết, chùa Thiếu Lâm xưa nay được đánh giá là linh địa của võ lâm, và các cao tăng quanh năm chỉ tu tập quanh quẩn trong chùa lại là người đạt tới cảnh giới võ thuật thượng thừa. 

Thương thân mới biết thương ngưi

Thương người như thể thương thân, có nghĩa, kẻ không biết thương bản thân mình thì chẳng bao giờ thật sự thương người khác. Trước khi tính chuyện “hành hiệp giúp đời”, kẻ luyện võ phải biết trân trọng sự sống trong mình, vì bản thân chính là nơi khởi đầu cho mọi tập luyện và tu dưỡng. Tập võ chính là tu dưỡng cho mình, cho sự sống của mình. Biến mình trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự sống, và bằng tâm niệm, tu dưỡng đức hiếu sinh, chuẩn bi cho mình được nhập làm một với sự sống.

Võ thuật cũng là ký ức, di sản và nghệ thuật. Nó  là sự sống, sức sống và khát vọng chân thiện mỹ của người xưa để lại trong từng bài quyền hay bài binh khí. Ði một đường quyền, múa một ngọn roi, hoành một lưỡi đao... là bước đúng theo bộ vị và vũ bộ mà các bậc tôn sư anh kiệt từng cất chân, hoa tay.

Trong uy hùng và  uyển chuyển của bài Ngọc Trản, ta thấy lại khí  thế của chén rượu tiễn đưa buổi xuất quân vì dòng sống của dân tộc cả ngàn năm qua. Thiên nhiên được mô phỏng và thâm nhập vào từng bước tinh tế khi ta đi đường Lão Mai độc thụ. Sinh linh cùng quẫy lộn với võ sinh theo tiếng gọi Kim kê độc lập, Phượng hoàng tranh cước vĩ hay vung cùi chỏ Phượng dực. Hình ảnh tượng trưng và đầy ấn tượng  trong các câu thiệu Thái sơn áp đỉnh, Song long xuất hải, Song phi hồ điệp, v.v. đưa ta bay bổng trong một không gian tích nạp đầy khí lực của bản thân, thế sống của chúng sinh, sự sống của thiên nhiên và phiêu bồng cùng vũ trụ. 

Hiếu sinh là  từ bi bác ái

Sức sống và  khí sống ấy chỉ có thể được cảm  ứng và thâm nhập vào những người tập võ có  con tim từ bi và niềm xác tín rằng luyện võ  cũng là một cách cụ thể luyện đức hiếu sinh cho mình và cho đời.

Ðức hiếu sinh được thể hiện bằng lòng từ bi, bác ái, nghiêm khắc với mình, bao dung với người, và đức ấy thường tràn ngập võ đường, thấm đẫm mỗi giờ cùng nhau tập luyện. Do đó, không lấy làm lạ rằng các võ đường đông đảo và hiệu quả nhất là nơi có các võ sư, huấn luyện viên và võ sinh yêu thương nhau, cư xử tận tình với nhau như thân nhân ruột thịt. Tiếng sư phụ đệ tử huynh muội vốn chan chứa tình cảm theo truyền thống văn hóa của dân tộc, giờ đây được củng cố sâu lắng hơn và nồng ấm hơn trong một võ đường thấm nhuần đức hiếu sinh. Mỗi lò võ là một lò hiếu sinh. Nó góp phần làm giàu bầu sinh khí của thế gian. Nó đào tạo cho đời những thanh niên thiếu nữ dũng cảm và hiền hòa, biết sống tích cực và góp sức làm cho thế giới tốt đẹp hơn để mọi người cùng sống. 

Hiếu sinh là an nhiên và anh dũng

Dồi dào trong bản thân, đầy ắp nơi luyện võ rồi mang theo sâu chặt trong tâm khảm suốt đường đời xuôi ngược, người có võ với đức hiếu sinh không làm tổn thương thể xác hoặc tâm lý của người đời, không săn  đuổi giết chóc cầm thú và thậm chí không làm đau một bông hoa cọng cỏ, không gây tác hại cho môi sinh.

Ðức hiếu sinh giờ  đây đã hóa thành hơi thở và máu thịt, làm bản thân nên một với sự sống, khiến cho tinh thần và cơ thể mình chuyển động nhịp nhàng với sự sống. Ðể tâm tư bất hoại và có thể vận dụng nhuần nhuyển tứ chi quyền cước bất cứ chớp mắt nào cần tới. Người có võ lúc ấy sống bình an và thuần hậu, tử tế và tận tụy với con người, loài vật và thiên nhiên hoa cỏ.

Rồi nếu cần, vào một sát-na nào đó, sẽ không chút ngại ngần, sẵn sàng hy sinh bản thân vì những nguyên cớ cao cả. Một khi cùng sống với đức hiếu sinh, con nhà võ an nhiên thấy rõ rằng sự sống thì luân lưu cao trọng và rằng biết chết cao thượng cũng chính là biết trở về với cội nguồn sự sống và biết chuẩn bị cho mình một lần sống khác, trong phục sinh tuyệt vời giữa dòng sống tối thượng muôn đời của muôn loài.
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu chung

Sức khoẻ là tài sản vô giá của con người

Clb Võ Thuật Bằng Long Hải ĐT 0986512303_0937620682 Website; dangkyhocvo com EMail;[email protected]  _Sức khoẻ là tài sản vô giá của mỗi con người chúng ta và là tài sản của đất nướcgiữ gìn cũng cố sức khỏe phát triển toàn diện là quá...

Bằng Long Linh
0986 512 303
Tư Vấn& Đăng Ký
0937 620 682