THÁNH TỔ QUANG TRUNG
- Thứ năm - 26/11/2015 20:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
THÁNH TỔ QUANG TRUNG
Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình (gửi cho BBT lúc 22:54 ngày 15 tháng 11 năm 2015)
I. LƯỢC SỬ THÂN THẾ
Tương truyền Tây Sơn tam kiệt rất giỏi võ nghệ đã khai sáng ra dòng Võ Tây Sơn (Bình Định) dũng mãnh, thiện chiến được xếp vào hàng bậc nhất đại võ công của dân tộc. Họ có vai trò rất lớn cho sự hình thành và phát triển dòng võ này, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài võ để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa tộc với Nguyễn Huệ chế tác Yến phi quyền, Nguyễn Lữ thì Hùng kê quyền và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Trong đó, Nguyễn Huệ có công đầu, cho nên ông được tôn làm Thánh tổ dòng võ này.
Nguyễn Huệ (1753 - 1792), có niên hiệu Quang Trung khi lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân năm 1788. Ông còn có tên khác là Nguyễn Văn Bình, quê ấp Kiến Thành thuộc Tây Sơn Hạ Đạo (phủ Quy Nhơn, Bình Định). Ông được miêu tả hình dáng như sau: tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm với đôi mắt "ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu". Tổ tiên vốn gốc họ Hồ ở Nghệ An, bị quân chúa Nguyễn đánh bắt đưa vào Nam năm 1655 để khai hoang, lập ấp. Về sau, từ họ Hồ đổi sang họ Nguyễn.
Đầu năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (Tây Sơn tam kiệt) dựng cờ khởi nghĩa từ đất Tây Sơn chống lại triều đình phong kiến Nguyễn đang bị quyền thần Trương Phúc Loan tác oai, tác quái. Lực lượng nghĩa quân phát triển ngày một mạnh mẽ, đánh chiếm thành Quy Nhơn, tiến ra chiếm Quảng Ngãi.
Năm 1775, Nguyễn Huệ lần đầu tiên chỉ huy xuất sắc trong trận Phú Yên, tiêu diệt đội quân chúa Nguyễn do Tống Phước Hiệp chỉ huy, buộc Hiệp phải lui về Văn Phong.
Năm 1777, ông chỉ huy cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ 2, bắt chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương đem giết đi, làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp của chúa Nguyễn. Chỉ còn có tôn thất chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh trốn thoát được. Trận quyết chiến Rạch Gầm – Xoài Mút (1785) nay thuộc tỉnh Tiền Giang, đã đập tan 5 vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện, cùng hàng ngàn quân bản bộ.
Năm 1786, ông tổ chức tấn công tiêu diệt gần như toàn bộ cánh quân Trịnh ở phía Nam, giải phóng vùng đất cuối cùng của xứ Đàng Trong. Lấy được Thuận Hóa, ông cùng Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc, diệt nốt họ Trịnh, bình định xong đất Bắc trong năm 1786 này.
Năm 1789, khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về giày xéo đất nước, Nguyễn Huệ đã chỉ huy 10 vạn quân tiến ra Bắc, đánh trận quyết chiến Ngọc Hồi – Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh và tập đoàn Lê Chiêu Thống ra khỏi bờ cõi.
Vua ở ngôi được 5 năm thì mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào khoảng 11 giờ khuya (thọ 40 tuổi), miếu hiệu là Thái tổ Vũ hoàng đế. Thi hài ông được táng ngay trong thành, tại phủ Dương Xuân. Sau khi Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân đã sai quật mồ mả lên để trả thù. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Những người kế thừa ông không đủ bản lĩnh để lãnh đạo Đại Việt, lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại kẻ thù của Tây Sơn.
Trong thời gian trị vì, vua Quang Trung đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – giáo dục và xã hội. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam trong cuộc nội chiến và cả khi chống giặc ngoại xâm. Do có nhiều công lao, Nguyễn Huệ cũng được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam, vị Thánh tổ của dòng Võ Tây Sơn (Bình Định) được triệu triệu cháu con thờ cúng hương khói nghìn đời.
II. NGHI LỄ CÚNG TỔ
Hầu hết các nghi thức võ thuật đều được tổ chức giản dị lấy phép tắc lễ nghĩa làm trọng, hình thức cốt chỉ đạt được sự uy nghiêm nhằm giáo dục, gợi mở tâm thức tự giác ở võ sinh đối với sự nghiệp võ đạo và tiền đồ võ phái.
Lịch sử như một dòng chảy liên tục trải mấy nghìn năm trước bao biến động thăng trầm trong tâm thức của cả dân tộc, nhờ truyền thống nền tảng tâm linh thờ cúng tổ tiên từ đời này sang đời khác mà tiền nhân đã ý thức vai trò của con người trong xã hội và sự liên hệ giữa người với người và với thiên nhiên hài hòa đời sống, là bước khởi đầu trong tiến tình chuyển hóa tâm thức để giúp con người bước vào tiến trình thăng hoa với định hướng con người, tương thông với vũ trụ mà khởi điểm là tương thông với ông bà tổ tiên.
Như cây có cội nước có nguồn, trong ta có một phần của cha mẹ, họ hàng, dòng tộc cho nên đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây” bắt đầu từ những ý nghĩa khởi nguyên như vậy, thể hiện sự biết ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, sự dạy dỗ của thầy luôn được người Việt Nam xem trọng. Với những người trong giới võ, lễ nghĩa thầy trò, tình huynh đệ luôn được gìn giữ và không ngừng được gắn kết đậm sâu, mối quan hệ đó được thể hiện qua các lễ nghi, cung cách ứng xử mỗi ngày.
Lễ cúng tổ là một nghi lễ được tổ chức hàng năm, thể hiện được nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đó là sự quyết tâm giữ gìn những nét văn hóa Việt, những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Bên cạnh đó nó còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tri ân các bậc tiên sư đã sáng lập ra nền võ học dân tộc, tâm nguyện gìn giữ và phát huy Võ Việt Nam và ý nghĩa cuối cùng quan trọng nhất là vẫn là giáo dục thế hệ trẻ về tương lai của cộng đồng về nền văn hóa Việt. Lễ được tổ chức khá trịnh trọng dưới sự chủ lễ của võ sư và tham dự của toàn thể võ sinh được thực hiện như sau:
1. Bố trí thiết đặt
Ở giữa khu vực hành lễ là bàn thờ di ảnh Tổ sư, hai bên bàn thờ cắm lá cờ quốc gia sở tại và môn kỳ. Đồng thời, có 6 bàn thờ tả, hữu ban là: Xung thiên quan, Xuân thu quan, Phác đầu quan, Hổ đầu quan, Ngũ bộ quan, Đăng đầu quan. Ngoài ra, còn có 4 bàn vệ tiền ở phía trước và bàn Cúng Đất.
2. Lễ vật tế lễ
Các liệt vị Dương binh bộ hạ, minh y các hạn cụ túc (phải đủ các món đồ cúng cho các vị Dương Binh); bàn cúng Đất Khuê Liệp y cụ túc (gồm áo, nón, giày, dép); bàn cúng Đại hạn Khuê Liệp đan bộ; bàn cúng Xung Thiên quan (mão Xung Thiên), mãng bào màu vàng và giày, mão Cửu Phụng, áo màu đỏ, giày Phụng; Xuân Thu quan (mão Xuân Thu), mãng bào màu lam và giày đỏ, có vẽ hình rồng; Xuân Thu quan (mão Xuân Thu), mãng bào màu xanh và giày đen, khăn hồng; Phác Đầu quan (mão Phác Đầu), mãng bào màu đỏ và giày đen; Hổ Đầu quan (mão đầu Cọp), mãng bào Ngũ Hổ màu tía, giày đen hạng trung (màu vàng, màu đỏ, mỗi thứ một bộ, áo ngũ sắc 12 bộ, giày, nón 12 bộ, áo Giao lãnh 2 bộ); Tiểu hạng Phác Đầu quan (mão Phác Đầu loại nhỏ; Hương, đèn, hoa, quả, trầm trà, trầu, rượu, vàng bạc, xôi, bánh cúng, thịt lợn thăng, cơm vắt, gạo muối.
3. Lời khấn tế lễ
Hôm nay, ngày… tháng… năm…, tại Tổ đường võ phái... , xã… huyện… tỉnh… Hậu duệ danh đồ... – Trưởng sư đời thứ… hội cùng các võ sinh cùng kính cẩn.
Thành kính dâng lễ: Hương đèn, trầm trà, trầu rượu, vàng bạc, hoa quả, gà, xôi, thịt lợn cùng các lễ vật khác, gọi là chút lễ mọn.
Kính cáo các vị chư thần: Cửu thiên huyền nữ thánh tổ chư quân, Quan công đế thánh chơn quân, Hưu vu thánh tổ chơn quân, Tổ sư, Võ Dũng địch tướng mãnh lại phán quan Vũ Lâm đại tướng tôn sư, Hảo đức, Thổ đức, Thập nhị tiên nương hộ chúng, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai khẩn, Liệt vị tôn sư, Hữu ban liệt vị, Tả ban liệt vị, Ngũ Phương Thổ công chủ ngung đại thần, Thập chúng cô hồn, Thiện nam tín nữ, Thiên thiên lực sĩ, Vạn vạn tinh võ binh.
Khấn nguyện: Bửu sư chính vị tọa tôn cửu Thiên hoàng, túc thân vi bách nghệ chi tiên, thủ minh quần sinh chi Tổ. Lục thao, tam lược chi huyền cơ, bát trận, cửu chương chi diệu tâm, truyền lưu vạn đại, ngưỡng thừa đại đức chi di mưu, Giáo dĩ, côn, quyền, ty đắc cập thời chi học hiệu, trường trung linh ứng, bảo hộ nhân danh, hạnh đắc thành tài, thảo nội tinh thông, vạn lại Thánh tổ. Lưu truyền tinh thục, tấn ngưu bộ, thừa thắng tranh tiên, kiền thành viên minh, bạc lễ cung trần, nguyện kỳ giáng cách ty quân trung, nghệ tấn tức thăng, tứ dĩ khương ninh, bảo hộ binh nhơn, hàm mông bá phước. Ngưỡng vọng! Tổ sư tri ân trạch đả!
4. Hành lễ Tổ sư
Hành lễ là lễ tiết tôn nghiêm, được sử dụng trong các buổi lễ quan trọng (Lễ cúng Khai môn, Lễ giổ Sư tổ, Lễ truyền Trưởng sư, Lễ kính Nhập môn, Lễ bái Xuất sư…) được quy định rõ ràng, cụ thể. Hành lễ thực hiện trước bàn thờ, di ảnh Tổ sư hoặc các vị Lão sư, tất cả các võ sinh buổi lễ đứng theo tư thế Bị thức, hai tay chấp trước ngực thật nghiêm chỉnh. Có thể sắp hàng trước hoặc hai bên bàn thờ, cách vị trí hành lễ tối thiểu một mét (1m). Khi hành lễ, tùy theo diện tích khu vực hành lễ, từng nhóm ba - năm hay nhiều người hơn tiến lên vị trí hành lễ. Từ hai người hành lễ trở lên, người chủ lễ phải hô to khẩu lệnh: "Bái tổ tâm niệm” (vì tất cả đang trong tư thế nghiêm).
- Tất cả nghiêng người về phía trước, chân phải rút ra sau quỳ gối xuống đất thành Quy tấn, chưởng trái trên gối trái, quyền phải trên ngực trái.
- Đứng lên quay về một phía và khoan thai rời khỏi vị trí hành lễ. Các nhóm kế tiếp nhịp nhàng tiến lên vị trí hành lễ thay thế nhóm trước và tuần tự cho đến hết.
Như vậy, nghi lễ chính là cánh cửa đầu tiên của toà nhà nguyên tắc và triết lý võ học. Chúng không giống với các đòn thế khác ở chỗ là truyền đạt thông điệp hoàn toàn hình thức. Càng nghiên cứu các hình thức này, chúng ta lại càng gặt hái được những kiến thức sâu hơn về võ học. Đồng thời, thắm nhuần tư tưởng "Cương nhu phối triển” mà các bậc tiền nhân đã dày công nghiên cứu, kế tục và phát huy cho đến tận hôm nay, mai sau và mãi mãi như một lời khẳng định hùng hồn khí chất của Võ Việt Nam. Mỗi võ sinh, trải qua quá trình rèn luyện cụ thể sẽ được học tập và bắt buộc phải nhớ trình tự các nghi lễ trên. Còn các nghi lễ đặc biệt khác được minh định trong một văn kiện đặc biệt do Trưởng sư điều hành.